Những lễ hội cuối năm đặc sắc ở châu Á

Mỗi dịp cuối năm, tại các nước châu Á thường diễn ra các lễ hội đặc sắc thu hút du khách trên thế giới như Soorya Arts, lễ hội Nước.

 

1.    Lễ hội Soorya Arts, Ấn Độ
Đến Ấn Độ vào tháng 11, bạn sẽ được tham gia vào lễ hội Soorya Arts. Đây được coi là lễ hội dài nhất thế giới vì kéo dài 111 ngày, từ ngày 21/9 đến ngày 10/1 năm sau.
Trong suốt mùa lễ hội lớn này, có rất nhiều hoạt động chính diễn ra như chiếu phim, video, các buổi biểu diễn âm nhạc, nhảy múa, vẽ tranh, nghệ thuật dân gian.

 

2.    Lễ hội That Luang, Lào

Cũng diễn ra vào ngày trăng tròn tháng 11 âm lịch, lễ hội That Luang được tổ chức hàng năm ở chùa That Luang. Theo tiếng Lào, That Luang có nghĩa là “ngọn tháp linh thiêng". Lễ hội này từ lâu đã được coi là ngày hội của sự đoàn tụ, đoàn kết dân tộc, là sự kiện hàng năm và có ý nghĩa quan trọng cả về văn hóa, lịch sử và tâm linh nên vào dịp lễ hội, hàng nghìn tăng ni phật tử ở khắp đất nước đều hội tụ về mái chùa cổ ở thủ đô Viêng Chăn.

Lễ hội thường diễn ra ở chùa That Luang và chùa Si Muong. Cũng như nhiều lễ hội ở Việt Nam, That Luôn gồm 2 phần: phần lễ và phần hội.

Phần lễ là nghi thức con người kết nối với thần linh. Phần này gồm nhiều nghi thức. Tiêu biểu là rước Phí Mương (thần bảo hộ tỉnh) từ Chùa Si Muong đến That Luang. Bên cạnh đó, từ thời vua Fa Ngum (thế kỷ 14) cho đến 1975, lễ That Luang do quốc vương Lào làm chủ tế. Trong ngày lễ, chức sắc, đại biểu, tỉnh mường, làng bản trưởng được mời về bàn việc nước… Mỗi vị có một cái kiệu bằng sáp ong (hó phợng), xếp thành hàng ngang trước nơi hành lễ. Nhà sư chủ trì cầm một cuộn dây bằng sợi vải trắng đi vòng nối các tỉnh mường, làng bản lại với nhau. Biểu tượng nầy phản ánh sự cam kết trung thành, thống nhất, đoàn kết quốc gia, cấm chia rẽ.

Phần hội bao gồm nhiều hoạt động như: ẩm thực, văn nghệ, thể thao, mua bán, triển lãm… Người Lào thường có câu “Khôn Lao mặc muồn” (Người Lào thích vui). Chính vì vậy mà phần hội của That Luang lúc nào cũng tưng bừng, thu hút đông đảo người dân tham dự.

Trong suốt 3 ngày lễ hội, tất cả tổ chức, trường học đều đóng cửa. Mọi người nô nức mua hoa để trang trí, tham gia vào đoàn người thắp nến và diễu hàng nhảy múa trong tiếng nhạc cổ truyền. Tại lễ hội người dân còn thưởng thức những món ăn truyền thống của xứ sở triệu voi.

 

3.    Lễ hội Nước, Campuchia

Được coi là lễ hội lớn nhất trong lịch Khmer, lễ hội Nước diễn ra vào ngày trăng tròn tháng 11 âm lịch với rất nhiều hoạt động. Thời gian này, nước trong các hồ và đầm lầy tràn ngập, tạo ra các cánh đồng nước mênh mông.

Người dân xứ sở chùa tháp thường tụ tập ở hai bên bờ sông Tonle Sap và Mekong ở thủ đô Phnom Penh để xem đua thuyền. Hàng nghìn tay chèo sẽ tham gia đua trên đoạn sông dài hơn 1km.
Vào buổi tối, người dân sẽ được ngắm nhìn màn bắn pháo hoa rực rỡ trên sông hay những chiếc bè gỗ được trang trí rực rỡ được thả nổi dọc con sông. Lễ hội đánh dấu sự thay đổi dòng chảy của con sông Tonle Sap và cũng được coi là lễ tạ ơn con sông Mekong vì đã đem lại sự phì nhiêu cho đất đai và cung cấp thực phẩm cho người dân.

 

4.    Lễ hội Loi Krathong, Thái Lan

Lễ hội này diễn ra ở bất cứ đâu trên đất nước Thái vào ngày rằm của tháng thứ 12 trong lịch âm truyền thống của Thái (thường vào tháng 11 theo lịch dương).
Vào đêm rằm, hàng nghìn người dân tụ tập bên các dòng sông, kênh... cầu nguyện, sau đó thả những chiếc bè được trang trí sắc màu trôi theo dòng nước, lung linh ánh nến được thắp sáng trên sông. Người Thái tin rằng thả bè trên sông thể hiện lòng kính trọng đối với Thủy Thần và để tạ lỗi với Thủy Thần vì đã làm ô nhiễm nguồn nước trong suốt cả năm. Đó là lý do lễ hội này được tổ chức vào cuối năm.

Tại Bangkok, lễ hội này thường diễn ra rất sôi nổi. Hàng đoàn người diễu hành đánh trống, hay các buổi trình diễn văn nghệ, âm nhạc truyền thống của Thái trên khắp các đường phố. Người ta cũng tổ chức bắn pháo hoa, các trò chơi dân gian...

Tại thành phố Chiang Mai, vào lễ hội, người ta thả hàng nghìn chiếc lồng đèn Khổng Minh lên trời. Họ tin rằng chiếc đèn càng bay xa, thì những muộn phiền, lo âu sẽ được đem đi.
Ngoài ra, du khách đến Thái Lan vào tháng 11 thường rất thích khi được tham gia vào lễ hội Voi Surin. Lễ hội diễn ra vào thứ bảy của tuần thứ 3, tháng 11 hàng năm. Vào ngày này, sẽ có hàng trăm con voi tham dự lễ, thể hiện những màn biểu diễn điêu luyện qua những điệu nhảy, đua, chơi bóng hay kéo co với con người.

 

5.    Lễ hội Voi Surin (Thái Lan)

 Diễn ra hàng năm vào thứ 7 của tuần thứ 3 tháng 11, tại Surin (còn được người dân địa phương gọi là I-San), Thái Lan. Lễ hội không chỉ nổi tiếng với người dân địa phương mà cả đối với du khách nước ngoài. Vào ngày này, sẽ có hơn 200 con voi tham dự lễ và thể hiện những kỹ năng mà chúng tập luyện trong năm.
Trong 2 ngày lễ hội, chúng sẽ có dịp thể hiện “tài năng” của mình qua những điệu nhảy, đua, chơi bóng đá và cả kéo co với người. Đây cũng là dịp thể hiện tình yêu của người dân đối với loài động vật được yêu quý nhất của Thái Lan.

 

6.    Lễ hội khỉ ở Lopburi - vùng đất linh thiêng của các loài linh trưởng

Ở Thái Lan, Lopburi được biết đến như môt vùng đất che chở cho người dân khá đặc biệt... Thật vậy, theo quan niệm của người Thái Lan, khỉ được xem là những người lính bảo vệ cho thần Narai của đạo Hindu. Hàng năm cứ vào chủ nhật cuối cùng của tháng 11, hàng nghìn chú khỉ lại tập trung tại đền Pra Prang Sam Yot, thuộc tỉnh Lopburi, Thái Lan để được ăn thỏa thích trong lễ hội buffet. Do đó, đến với lễ hội này, người dân Thái Lan và du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động liên quan đến khỉ, trong đó có cả việc cho khỉ ăn. Đây là hoạt động luôn thu hút nhiều người tham gia nhất, bởi cho khỉ ăn, theo nhiều người Thái Lan, là để cầu may đến với mình. Lễ hội hoành tráng hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ cho du khách cũng như bầy khỉ tại đây.

 

7.    Lễ hội Karatsu Kunchi, Nhật Bản

Tháng 11 là tháng của lễ hội Karatsu Kunchi được tổ chức ở thành phố Karatsu. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức hơn 300 năm nay. Hàng đoàn chiếc thuyền lớn với nhiều hình thù khác nhau như cá tráp, rồng, và một số các loại sinh vật khác diễu hành khắp các phố. 

Tại lễ hội, những tác phẩm nghệ thuật thủ công khổng lồ được làm tinh xảo và tỉ mỉ với những hình dáng như cá heo, cá vàng cũng được trình diễn.

 

8.    Lễ hội Ohara, Nhật Bản

Nếu có dịp tới du lịch Nhật Bản vào thời điểm tháng 11, du khách đừng bỏ qua lễ hội Ohara. Đây là lễ hội mùa thu lớn nhất ở Nam Kyushu. Với văn hóa đặc sắc và quy mô hoành tráng, mỗi năm lễ hội này thu hút tới 600.000 người tham dự.
Trong lễ hội, khoảng 22.000 vũ công được tập hợp để diễu hành trên đường. Các vũ công nhảy theo điệu nhạc dân gian “Ohara-bushi” và “Han’ya-bushi”, tạo nên không khí đặc sắc.
Năm nay lễ hội sẽ diễn ra vào hai ngày 2/11 và 3/11.

 

9.    Lễ hội Shichi go san, Nhật Bản

Cứ đến ngày 15/11 hàng năm là các gia đình Nhật Bản lại chuẩn bị đón lễ hội Shichi go san. Lễ hội còn được gọi là ngày của trẻ nhỏ. Shichi-go-san có nghĩa chỉ các con số “bảy, năm và ba”. Những con số này đánh dấu bước trưởng thành quan trọng trong cuộc đời những đứa trẻ.
Lễ hội này bắt đầu có từ thời Heian (794-1185). Tuy nhiên, chỉ có những gia đình quý tộc mới tham gia vào lễ hội may mắn này. Vào thời Edo (1603-1868), lễ hội shichi-go-san trở nên phổ biến hơn. Lúc này người dân bắt đầu tới các ngôi đền để cầu nguyện. Phong tục tập quán này của người Nhật được duy trì cho tới ngày nay.

Thời nay, các bậc phụ huynh tổ chức ngày shichi-go-san cho các bé trai khi các bé lên 3 và 5 tuổi, còn cho các bé gái khi các bé lên 3 và 7 tuổi. Các bé trai khoác áo jacket và mặc quần hakama. Trong khi đó, các bé gái lại mặc một loại kimono đặc biệt. Trong những năm gần đây, bọn trẻ có xu hướng khoác lên mình những bộ vét và váy đầm theo kiểu phương tây.
Khi cùng các bé tới thăm đền, bố mẹ sẽ mua cho con mình kẹo 1000 năm (chitose-ame). Kẹo có hình dáng như chiếc que và được đựng trong một chiếc túi mang hình ảnh tượng trưng của loài sếu và rùa. Đây là hai loài động vật truyền thống tượng trưng cho tuổi thọ ở Nhật Bản. Kẹo và chiếc túi thể hiện niềm hi vọng của cha mẹ rằng con cái họ sẽ sống lâu và giàu có.

 

10.    Lễ hội Deepavali, Malaysia

Lễ hội ánh sáng Deepavali ở Malaysia còn được gọi là lễ hội Diwali. Lễ hội thường kéo dài 5 ngày. Năm nay lễ hội bắt đầu từ tháng 10 và kết thúc vào ngày 1/11.
Trước đây, Deepavali là một lễ hội tôn giáo quan trọng của những người theo đạo Hindu ở Malaysia. Còn ngày nay đây không chỉ ở thủ đô Kuala Lumpur mà trên toàn Malaysia. Khắp nơi ở Malaysia, các lời cầu nguyện tạ ơn và nghi thức rửa tội được tổ chức tạị đền thờ và bàn thờ ở nhà. Lễ hội ánh sáng Deepavali là dịp mà mọi người Malaysia trở về nhà để sum họp, vui vầy bên nhau. Tất cả cùng thắp đèn kuthuvilakku – loại đèn dầu truyền thống của người Ấn Độ. Và sau đó là đón nhận lời chúc phúc của Lakshmi – nữ thần thịnh vượng.

Các bình luận